Chernobyl sau thảm hoạ Thảm_họa_Chernobyl

Vấn đề của nhà máy Chernobyl không chấm dứt với thảm họa tại Lò phản ứng số 4. Lò phản ứng bị hư hại đã được hàn kín bằng 200 mét khối bê tông đặt giữa nơi xảy ra thảm họa và các tòa nhà điều hành. Chính phủ Ukraina tiếp tục cho ba lò phản ứng còn lại hoạt động vì tình trạng thiếu hụt năng lượng trong nước. Một đám cháy đã bùng phát tại Lò phản ứng số 2 năm 1991; chính quyền sau đó tuyên bố rằng lò phản ứng bị hư hại tới mức không thể sửa chữa và cho nó ngừng hoạt động. Lò phản ứng số 1 được cho ngừng chạy tháng 11 năm 1996 như một phần của thỏa thuận giữa chính phủ Ukraina và các tổ chức quốc tế như IAEA với mục đích chấm dứt hoàn toàn hoạt động của cả nhà máy. Tháng 11 năm 2000, Tổng thống Ukraina Leonid Kuchma đã đích thân bấm nút dừng hoạt động của lò phản ứng hạt nhân số 3 trong một buổi lễ, chính thức chấm dứt hoạt động của toàn bộ nhà máy.

Nhu cầu tái thiết tương lai

Quan tài bê tông không phải là một phương án hàn kín hữu hiệu lâu dài cho lò phản ứng đã bị hủy hoại. Việc xây dựng vội vàng, và trong nhiều trường hợp là do các rô bốt công nghiệp tiến hành, khiến nó nhanh chóng lão hoá, và nếu nó sụp đổ, một đám mây bụi phóng xạ khác sẽ được giải phóng. Quan tài bê tông đã hư hại nặng tới mức chỉ cần một rung động nhẹ của Trái Đất hay những trận gió mạnh cũng có thể khiến trần của nó sụp đổ. Một số kế hoạch đã được thảo luận nhằm xây dựng một bức tường bao phủ có độ tin cậy lớn hơn.

Theo những ước tính chính thức, khoảng 95% nhiên liệu (khoảng 180 tấn) trong lò phản ứng tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn vẫn còn lại bên trong quan tài bê tông, với tổng lượng phóng xạ lên tới gần 180 triệu curie (670 PBq). Vật liệu phóng xạ gồm các mảnh lõi, bụi và "những vật liệu chứa nhiên liệu" (FCM) kiểu dung nham chảy qua lò phản ứng hạt nhân đã bị hư hại trước khi cứng lại dưới dạng gốm. Theo những ước tính thận trọng, ít nhất có bốn tấn bụi phóng xạ bên trong quan tài. Tuy nhiên, những ước tính gần đây đã gây nghi ngờ lớn về những con số được đưa ra từ trước về số lượng nhiên liệu còn lại trong lò. Một số ước tính hiệu nay cho rằng tổng lượng nhiên liệu trong lò phản ứng chỉ khoảng 70% nhiên liệu nạp ban đầu, tuy nhiên IAEA vẫn cho rằng chưa tới 5% nhiên liệu đã thất thoát do vụ nổ. Hơn nữa, một số người tham gia vào việc cứu hộ ước tính rằng chỉ 5-10% nguyên liệu nạp ban đầu còn lại bên trong quan tài bê tông.

Nước vẫn tiếp tục chảy vào trong quan tài, khiến các vật liệu phóng xạ rò rỉ qua lò phản ứng đã bị hư hại và có thể cả vào trong nước ngầm tại các khu vực quanh đó. Móng của lò phản ứng dần chứa đầy nước đã bị ô nhiễm nhiên liệu hạt nhân và bị coi là loại rác có mức độ phóng xạ cao. Dù các công việc sửa chữa đã được tiến hành tại một số lỗ lớn nhất bên trên mái quan tài, nó vẫn không tài nào hàn kín được toàn bộ, và tình trạng mái sẽ ngày càng tồi tệ thêm.

Quan tài bê tông, không hoàn toàn kín với không khí bên ngoài, sẽ nóng lên nhanh hơn khi nó lạnh đi. Điều này khiến lượng ẩm bên trong quan tài tăng lên. Lượng ẩm cao lại ăn mòn bê tông và cốt thép của nó.

Hơn nữa, bụi đang ngày càng trở thành một vấn đề bên trong quan tài bê tông. Các nguyên tử phóng xạ ở mọi kích thước, lượng bụi tro chiếm tỷ lệ lớn bên trong đó. Những dòng đối lưu hòa lẫn với dòng khí xâm nhập từ bên ngoài ngày càng khuấy đảo và đưa thêm vào không khí các nguyên tử phóng xạ. Việc lắp đặt các hệ thống lọc khí năm 2001 có làm giảm bớt nguy cơ này, nhưng không hoàn toàn triệt tiêu được nó.

Địa điểm tham quan du lịch

Theo Bộ Tình trạng khẩn cấp Ukraine, do phóng xạ rò rỉ thành từng "mảng" tại Chernobyl nên nếu đi đúng các tuyến đường đã được kiểm tra trước sẽ không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Để tăng thêm tính an toàn, chính quyền địa phương dự định lắp đặt thêm nhiều trạm đo mức phóng xạ tại đây.

Nhiều hãng du lịch Ukraine cung cấp các tour một ngày đi đến Chernobyl, có giá từ 25 đến 650 Euro. Về chương trình: tham quan vỏ lò phản ứng bị tai nạn, thăm các ngôi làng bị bỏ hoang, xem cá da trơn khổng lồ sống ở các vùng nước phóng xạ. Tất cả mọi người được vào tham quan khu vực này, ngoại trừ  trẻ em dưới 18 tuổi và các phần tử bị nghi là khủng bố. Các khu nhà và lều bạt của những người cứu trợ từ năm 1986 vẫn còn sử dụng tốt. Cách nhà máy 44 km có một khu nhà dành riêng cho những người cứu nạn có thể đón nhận 60 – 70 khách. Bên cạnh đó, một khách sạn của Bộ Tình trạng đặc biệt có 18 phòng ngủ. Chúng được nâng cấp lên thành những phòng khách sạn từ 3 đến 5 sao. Ngay lối vào chính của khu vực cấm là một quầy lưu niệm bán các loại áo thun được trang trí các biểu tượng phóng xạ màu đen và màu vàng và mặt nạ khí cao su của Liên Xô.

Điểm nổi bật của chuyến đi là thăm Pripyat, nơi gần 50.000 cư dân đã được sơ tán trong ba giờ vào ngày 27 tháng 4 năm 1986. Tại đây, du khách sẽ thấy những tòa nhà dân cư bị bỏ hoang, trường học nơi đồ chơi trẻ em, sách hoặc ghi chú viết tay vẫn treo quanh tường, một công viên giải trí có bánh xe lớn vẫn đứng trên quảng trường trung tâm.

Rời Chernobyl, tất cả khách du lịch buộc phải vượt qua kiểm tra phóng xạ. Theo các chuyên gia hạt nhân, nồng độ phóng xạ ở các khu vực bình thường vào khoảng 10 microroentgen/giờ. Quá 30 microroentgen/giờ bị coi là nguy hiểm cho con người. Trong khi đó, xung quanh nhà máy điện, nồng độ phóng xạ trung bình vẫn đạt tới 50 microroentgen/giờ. Nồng độ phóng xạ ở khu dân cư gần nhất cũng không dưới 30 microroentgen/giờ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Bộ Tình trạng khẩn cấp Ukraine, trong nồng độ đó, con người vẫn có thể không mặc quần áo bảo hộ phóng xạ hàng tuần mà không bị tác động xấu đến sức khỏe.

Một điều thú vị nữa là khu vực  đang trở thành một vườn bảo tồn thiên nhiên tuyệt vời. Bị con người bỏ hoang, khu vực này đang trở thành nơi trú ngụ an toàn cho nhiều giống chim, thú quý hiếm. Thiên nhiên đang tự phục hồi sự cân bằng sinh thái cho chính mình.[36][37]

Quỹ Chernobyl và Kế hoạch xây dựng tường chắn mới

Quỹ Chernobyl được thành lập năm 1997 trong cuộc họp thượng đỉnh G7 lần thứ 23 ở Denver để cung cấp vốn cho Kế hoạch xây dựng tường chắn thay cho cấu trúc bê tông được xây dựng vội vã. Kế hoạch xây dựng tường chắn (SIP - Shelter Implementation Plan) có mục đích biến địa điểm này thành nơi có điều kiện sinh thái học an toàn thông nhờ một quan tài ổn định, sau đó là việc xây dựng thêm một lớp Vỏ bọc mới (NSC - New Safe Confinement). Ước tính ban đầu cho NSC là 768 triệu đôla Mỹ, theo ước tính năm 2006 là 1.2 tỉ đôla Mỹ. SIP hiện được một côngxoocxiom gồm Bechtel, BattelleElectricité de France điều hành, với thiết kế ý tưởng cho NSC theo kiểu một mái vòm di động được nặng 20.000 tấn, được xây dựng tách biệt bên ngoài để tránh lượng bức xạ cao, và có thể trượt trên vỏ cũ bằng cách sử dụng đường ray tàu hỏa. NSC được hi vọng là sẽ được hoàn thành vào năm 2015, và sẽ là kết cấu di động lớn nhất từng được xây dựng.

Kích thước

  • Rộng: 260 m
  • Cao: 105 m
  • Dài: 150 m
  • Nặng: 20.000 tấn

Trong tương lai

Quan tài bê tông hiện nay được xây dựng bên trên đống đổ nát của lò phản ứng. Hai "Xà lớn" đỡ mái quan tài tựa trên kết cấu yếu ớt của bức tường phía tây lò phản ứng vốn đã bị hư hại do vụ nổ. Nếu bức tường của lò phản ứng và cả mái quan tài sụp đổ, những lượng bụi phóng xạ và nguyên tử lớn sẽ được giải phóng trực tiếp vào khí quyển, gây ra một vụ phát tán phóng xạ lớn khác vào môi trường xung quanh.

Một nguy cơ khác đối với quan tài là phiến bê tông hình thành nên "Khiên sinh vật học bên trên" (UBS), và được đặt trên lò phản ứng trước khi vụ tai nạn xảy ra. Tấm bê tông này đã bị vụ nổ đẩy lên cao và hiện nằm nghiêng 15 độ theo chiều dọc. Vị trí của tấm khiên sinh vật học bị coi là không an toàn, bởi nó chỉ được chống đỡ theo chiều gần thẳng đứng bởi bụi rác. Nếu tấm sinh học này đổ nó sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bụi bên trong quan tài và có thể làm phát tán một lượng vật liệu phóng xạ ra ngoài, cũng như có thể gây hư hại cho chính quan tài bê tông.

Quan tài bê tông không được thiết kế để tồn tại trong khoảng thời gian 100.000 năm cần thiết để giữ lượng phóng xạ còn sót lại bên trong lò phản ứng số 4. Những thiết kế hiện nay về một bức tường bao phủ mới chỉ có tuổi thọ 100 năm, khoảng thời gian đó chỉ là một nháy mắt so với khoảng thời gian tuổi thọ của vật liệu phóng xạ bên trong. Việc xây dựng một quan tài có khả năng chôn vùi vĩnh viễn những thứ bên trong lò phản ứng số 4 rõ ràng là một thách thức cho các kỹ sư ở nhiều thế hệ sau này.

Ukraine đang tìm cách phát triển năng lượng cho riêng mình. Ukraine cũng muốn làm sống lại khu vực cách ly trong bán kính 30 km xung quanh nhà máy Chernobyl, nằm cách Kiev 100 km về phía bắc và gần biên giới với Belarus.

Từ năm 2016, Ukraine nói rằng họ có gần 2.500 ha cho các dự án phát triển năng lượng mặt trời quanh khu vực nhà máy Chernobyl. Để khuyến khích các nhà đầu tư, Ukraine hứa mua năng lượng mặt trời với giá cao hơn mức trung bình áp dụng ở châu Âu 50%. Tuy nhiên, các nhà đầu tư phương Tây đã không vội vã tới Chernobyl vì họ biết tình trạng quan liêu và tham nhũng đặc hữu ở Ukraine.[36]


Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thảm_họa_Chernobyl http://www.iaea.or.at/NewsCenter/Features/Chernoby... http://sixtyminutes.ninemsn.com.au/sixtyminutes/st... http://www.uic.com.au/Chernosequence.htm http://www.spaceman.ca/gallery/chernobyl?page=1 http://www.amazon.com/exec/obidos/tg/detail/-/3882... http://www.atomicinsights.com/apr96/AEI_Apr96.html... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/109428 http://www.chernobyl-tour.com/english/ http://danielcuthbert.com/chernobyl http://us.imdb.com/title/tt0396959/